Thực trạng đáng buồn ấy đã “đeo bám” ngành vận tải thành phố hằng ấy năm trời, bởi qua nhiều sáng kiến, kết quả đạt được vẫn chỉ là… “trông chờ sự đổi thay”.

KỲ 2: “VÀO CÀNH ĐA, RA CÀNH ĐÀO”

Giá một nụ cười…

Chuyến xe buyết số 54 từ Bến xe Chợ Lớn bắt đầu lăn bánh về Bến xe Miền Đông khi thành phố chớm lên đèn. Hành khách trên xe chỉ có 4 người, kể cả chúng tôi. Radio và tiếng còi xi-nhan là âm thanh độc nhất chiếm trọn không gian của chiếc xe này. Ai nấy cũng lặng thinh, có lẽ họ đang âm thầm cảm nhận một chất “rất Sài Gòn” mà chỉ những chuyến xe buýt cuối ngày mới làm nên điều đó.

Bán vé và thu tiền xong, phụ xe ngồi sải lai trên băng ghế, ngủ ngon lành. “Cho em ghé trạm!” – tiếng một nữ sinh làm phụ xe tỉnh giấc. Sau một hồi quan sát, chẳng mấy vui vẻ gì, anh này mặt mày cau có, nói: “Trạm còn cách cả vài cây mà đã kêu rồi”. “Thì em sợ bị “hụt” trạm nên kêu sớm” – cô gái rụt rè.

Thái độ của phụ xe làm cô gái “buồn lây”, đứng sớ rớ không dám nhìn ai. Đến trạm dừng, cửa tự động mở và khách… tự động xuống. Nam phụ xe chỉ để lại “dấu ấn” bằng một cái “nguýt mắt dài” rồi tiếp tục mơ màng chìm vào giấc ngủ.

Nam tiếp viên một tuyến xe buýt nhắm mắt ngủ trong chuyến cuối ngày

Một buổi trưa hôm khác, theo chân những sinh viên của trường Đại học Bách Khoa TPHCM, chúng tôi leo lên chuyến xe buýt số 50. Điểm dừng cuối cùng của hành trình sẽ là Ký túc xá Đại học Quốc gia (Thủ Đức). “Chuẩn bị thẻ sinh viên, tiền lẻ đi” – bác tài giọng không mấy mặn mà.

Xe bắt đầu lăn bánh đến ngã tư Bảy Hiền, bác tài vừa lái xe vừa sắp xếp lại số tiền lẻ mới thu. Đâu đó xong xuôi, ông này châm điếu thuốc, phì phà nhả khói. Một nữ sinh ngồi kế bên nhăn mặt, nói thì thầm với bạn mình: “Xe bật máy lạnh mà ổng còn hút thuốc nữa sao chịu nổi không biết”.

Khói thuốc cứ thế vẫn được nhả, khiến cho nhiều người trên xe bịt mũi. Hết chịu nổi, một nam hành khách lên tiếng phản ứng mới “lay động” được bác tài. Ông ta vứt thuốc ra ngoài cửa sổ nhưng mặt thì có vẻ hậm hực, lạnh tanh.

Tài xế một tuyến xe buýt vừa hút thuốc lúc xe bật máy lạnh khiến nhiều hành khách khó chịu

Cuộc hành trình tiếp theo chúng tôi có mặt là trên tuyến xe buýt số 6 BS: 53N – 4591 (từ Bến xe Chợ Lớn đi Đại học Nông Lâm). Khi xe di chuyển tới trạm dừng trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q.Bình Thạnh) thì có một cô gái đứng vẫy tay đón. Lên xe, hành khách đưa tấm thẻ sinh viên của mình ra để nam tiếp viên kiểm tra.

Nhìn qua một lượt, anh này yêu cầu nữ sinh đưa tiền mua vé. “Ủa anh ơi, giá vé có thẻ sinh viên là bao nhiêu tiền?” – cô gái hỏi. “Ủa, cầm thẻ sinh viên 2 năm trời không biết giá hả?”. “Dạ em ít đi nên không nhớ giá!”. “2 ngàn” – nam tiếp viên kết thúc với giọng lạnh lùng, khiến hành khách lộ rõ sự khó chịu. “Từ ngày vào thành phố, có mấy khi em đi xe buýt đâu, làm sao nhớ giá. Lỗi đâu phải do em” – cô gái nói nhỏ với chúng tôi với vẻ bực bội.

Đó chỉ là 3 trong rất nhiều trường hợp mà nhóm phóng viên ghi nhận được về thái độ ứng xử chưa chẩn mực của tài xế, nhân viên xe buýt với hành khách. Theo nhiều người dân, những trường hợp nêu trên được xem là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Và một thực trạng mà ai cũng ghi nhận là các tài xế, nhân viên này bị “hạn chế” nụ cười. “Đi xe công cộng, chẳng ai biết ai nên hành khách luôn cần lắm một nụ cười để được gần gũi hơn. Nhưng hiếm khi tôi nhận được điều ấy” – chị Thảo (ngụ Q.Thủ Đức), chia sẻ.

Đúng như chị Thảo nói, chẳng một hành khách nào từ chối được nụ cười trên xe buýt, bởi với họ, đó là “sợi dây kết nối” nhanh nhất để cảm thấy phương tiện công cộng này thân thiện hơn. Nhưng trên thực tế, rất nhiều cuộc hành trình trên xe buýt hiện nay bị thiếu hụt “sợi dây” đó. “Giá một vé xe buýt bây giờ là 6 ngàn đồng.

Và sau khi trả số tiền đó, chúng tôi chỉ được chở đi một cách khô khan. Nếu các tài xế, nhân viên xe buýt thường trực được nụ cười thì chắc chắn, ngoài số tiền thu về cho nhà xe, họ sẽ còn nhận được sự tin yêu từ hành khách” – chị Phượng (ngụ Q.Bình Thạnh), bộc bạch.

“Tủi phận con côi”

9 giờ 34 sáng 25-7, chiếc xe buýt số 89 BKS: 51B–252… lặng lẽ xuất bến ở Bến xe buýt đường sông Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức) với một vị khách độc nhất là… phóng viên. Sau một hồi vòng vèo, chiếc xe chuyển hướng ra phía đại lộ Phạm Văn Đồng. Thấy một xe buýt chạy ngược đường, bác tài vẫy chào người đồng nghiệp: “Ế tiếp hả?”. Cũng như chiếc 89 này, chiếc xe đối diện dù đã gần kết thúc cuộc hành trình nhưng số khách đón được vẫn chỉ lẻ tẻ trên đầu ngón tay.

Xe chạy đến cổng trường Trung học phổ thông Hiệp Bình, bác tài nói rằng hy vọng khách khứa sẽ khá khẩm hơn. Nhưng hôm nay vẫn không có một bóng người. Mưa bắt đầu rơi bên ngoài ô cửa kính. Chiếc xe vẫn lầm lì lao về đích cuối là Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức. “Lại một chuyến không quá 10 người” – bác tài thở dài, than thở.

Tuyến xe buýt 89 nối liền giữa đường bộ và đường sông luôn trong cảnh đìu hiu, ế khách.

Tuyến xe buýt 89 nêu trên do Hợp tác xã Quyết Thắng quản lý, đã được thay đổi lộ trình để phục vụ mục đích kết nối Ga xe buýt đường sông Hiệp Bình Chánh với hệ thống giao thông hạ tầng trong khu vực từ cuối năm 2017. Cũng từ thời gian đó trở đi, tuyến xe này hầu như luôn trong tình trạng ế khách dù đã được đầu tư xe mới và nâng tổng quãng đường di chuyển lên gần 20 km.

Ngoài 89, chúng tôi còn ghi nhận được nhiều tuyến xe buýt khác ở TPHCM nằm trong tình cảnh “bơ vơ”, đặc biệt là các tuyến xe buýt vào Sân bay Tân Sơn Nhất.

Vì sao lại có cảnh “tủi phận con côi” đối với các tuyến xe buýt này? Có nhiều cách lý giải nhưng theo cơ quan quản lý, tựu trung lại vẫn là do lộ trình dài, tốc độ trung bình rất chậm (chỉ 16 km/h), thời gian hành trình tăng, luồng tuyến chưa hợp lý, nhiều tuyến trùng lắp, bến bãi thiếu…

Đặc thù hơn, có một số tuyến như: tuyến về Bến xe buýt đường sông Hiệp Bình Chánh hoặc tuyến vào Sân bay Tân Sơn Nhất, trên thực tế nhu cầu đi lại của người dân không dùng đến xe buýt, bị “ế chổng gọng”, nhưng do yêu cầu phát triển hệ thống hạ tầng của thành phố nên phải vận hành. Chính việc vắng bóng hành khách nêu trên đã dẫn đến tình trạng nhiều tuyến xe buýt ở TPHCM luôn nằm trong tình trạng thua lỗ, trông chờ tiền trợ giá từ UBND TPHCM để duy trì hoạt động, vô hình làm nặng gánh nguồn ngân sách.

Trông chờ đổi thay

Theo nhiều chuyên gia về giao thông vận tải, nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc ngành vận tải thành phố không khai thác hiệu quả các tuyến xe buýt như hiện nay ngoài tính đặc thù, phải thừa nhận một phần lớn xuất phát từ cách quản lý, vận hành.

Trong nhiều ngày thực hiện đề tài này, ghi nhận của chúng tôi cho thấy, các tuyến xe buýt đi vào sân bay chỉ trả khách ở bên ngoài chứ không đi thẳng vào các ga chờ làm thủ tục. Chiều 25-7, gần chục hành khách đi trên chuyến xe buýt 109 đi vào sân bay phải kéo va-li “lội bộ” một quãng đường rất dài để vào trong ga nội địa. “Biết cực vầy tôi đã bắt taxi đi rồi. Thà chịu tốn tiền chứ ai mà “lết” đồ đi nổi” – chị Thoa (một hành khách), vừa thở hổn hển vừa nói.

Tương tự, gửi phản hồi đến Báo CATP, nhiều bạn đọc cho rằng lộ trình của tuyến xe buýt 89 (một trong những tuyến bị ế khách) là chưa hợp lý.

Cụ thể, với một tuyến xe có đặc thù là kết nối giữa đường bộ và đường sông, trong khi đó tuyến đường sông chưa được người dân chưa sử dụng rộng rãi thì ở thời điểm hiện tại, chỉ phục vụ cho du lịch, thăm thú là chính. Do vậy, với lộ trình từ Bệnh viện Đa khoa Thủ Đức, qua nhiều tuyến đường dân cư, trường đại học và bến cuối cùng là trạm xe buýt đường sông thì rõ ràng sẽ rất khó để khai thác khách du lịch.

“Tại sao không thiết kế lộ trình của tuyến xe này đi qua các trạm thuộc khu vực trung tâm để khai thác khách du lịch, rồi từ đó chúng ta quảng bá hình ảnh, làm truyền thông tốt hơn để thu hút hành khách sử dụng” – anh Thông (một chuyên viên truyền thông tại TPHCM), đặt vấn đề.

Tài xế vừa điều khiển xe vừa sử dụng điện thoại khiến hành khách lo lắng.

Truyền thông chưa hiệu quả, đó chỉ là một trong nhiều “khiếm khuyết” ở cách quản lý, vận hành hệ thống xe buýt thành phố mà bạn đọc đặt ra. Trên thực tế, có rất nhiều “nguyên nhân khách quan” mà cơ quan quản lý vin vào để “giải trình” cho sự phát triển không hiệu quả của hệ thống xe buýt ở TPHCM bấy lâu nay.

Phải chăng chính những “nguyên nhân khách quan” này đã “níu|” sự phát triển của hệ thống xe buýt của thành phố? Những câu chuyện phổ biến trên xe buýt mà hằng ngày hành khách chứng kiến như: thái độ phục vụ thiếu văn minh, an ninh trật tự chưa đảm bảo, “hung thần” xe buýt, phúc lợi với tài xế, nhân viên còn bỏ ngỏ; hoặc định hình bến bãi, thiết kế tuyến lộ trình chưa thật sự phù hợp với thực tiễn… liệu có phải là những “mặt trái do khách quan” như đã nói?

Sau bao năm, xe buýt thành phố vẫn mãi loay hoay.

Một điều chúng ta thấy rõ là sau ngần ấy năm hình thành, hệ thống xe buýt của thành phố ngày một tăng về số lượng, còn chất lượng thì vẫn luôn là dấu hỏi lưng chừng. Chưa bao giờ người dân được nhìn thấy một loại hình giao thông công cộng thật sự hiện đại và văn minh, trên thực tế, chỉ có thể là kỳ vọng! Thực trạng đáng buồn ấy đã “đeo bám” ngành vận tải thành phố hằng ấy năm trời, bởi quá nhiều sáng kiến, kết quả đạt được vẫn chỉ là… “trông chờ sự đổi thay”. Như thế chúng ta vẫn đang loay hoay với cành đa, cành đào mà chưa có một lối thoát hiệu quả và dứt điểm

“Bơ vơ”… chốn về!

Theo ghi nhận của phóng viên Báo CATP, hiện nay nhiều bến bãi chưa thiết kế chỗ nghỉ ngơi, sinh hoạt cho các tài xế, nhân viên xe buýt khiến họ bị “bơ vơ”. Đó cũng là nguyên nhân phát sinh nhiều hiện tượng xấu.

Trưa 20-7, chúng tôi xuống xe tại điểm trạm cạnh trường Đại học Quốc tế TPHCM. Lúc này, vô tình chúng tôi trông thấy cảnh một nhóm tài xế cùng tiếp viên của tuyến xe 30 ngồi đánh bài ăn tiền tại một bãi cỏ. Một tài xế cho hay, do không có nới sinh hoạt nên họ phải ngồi lăn lóc trên các bãi cỏ.

Không có chỗ nghỉ ngơi, các tài xế, nhân viên xe buýt phải “tá túc” di động, đánh bài… giải khuây! Tình trạng trên cũng được chúng tôi ghi nhận ở các bãi đậu xe buýt trong Bến xe An Sương và Bến xe Miền Tây. Không có chỗ nghỉ ngơi, sinh hoạt, giờ nghỉ trưa, nhiều tài xế, tiếp viên phải vô trong xe tá túc để tránh nắng. “Xe buýt chứ có phải xe khách đâu mà có chỗ nghỉ. Ăn trên xe, ngủ trên xe. Phải chịu thôi” – một nhân viên bán vé xe buýt vừa ăn vội hộp cơm, vừa nói với chúng tôi.

Không có chỗ nghỉ ngơi, các tài xế, nhân viên xe buýt phải “tá túc” di động, đánh bài… giải khuây!

Còn tiếp…


H.Đạt – H.Văn – Đ.Nam

Write A Comment